Ta từng hỏi huynh : "Tại sao huynh lại thích hoa anh đào?" Huynh bảo: "Vì sinh mệnh của nó mong manh và ngắn ngủi." Thuở đó ta còn ngây ngô, không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, nhưng khi huynh đi rồi ta mới chợt nhận ra. Huynh chết vào năm mười chín tuổi,khi mà cuộc đời huynh chỉ vừa bắt đầu. Hoa nở rồi tàn chỉ trong chớp mắt, nó tắt lụi vào đúng đỉnh cao rực rỡ của mình...như kiếp người ngắn ngủi của huynh...

Đào Tán Hương Phai - 4

Bao nhiêu đoạn hồi ức đẹp đẽ mà đau thương đều bị nước vong tình kia xóa đi.


-------------------------------------------------------------------------

Trên thế gian này, tộc hồ ly không chỉ có mỗi Thượng Quan Gia.

Mấy mươi vạn năm  trước Thiên đình ban lệnh truy sát Hồ Tộc, để tránh sự truy sát ấy, Thiên Hồ Thượng Quan và những hồ nhân khác đã tìm đến Cổ Nguyệt Thành. Nhưng có một số hồ nhân đã không đi theo vị anh hùng ấy, họ tìm đến một nơi khác lẩn trốn. Dần dần họ tụ tập lại với nhau, tạo nên một vương quốc, một hồ tộc khác. Không như những hồ nhân sống an nhàn, không màng đến những danh vọng ở Thượng Quan Gia, họ tu luyện rồi trở về với bồng lai, thăng lên hàng tiên quân. Điển hình như bộ tộc hồ ly ở Thanh Khâu Quốc kia, vạn vạn năm trấn giữ Đông Hoang, xếp vào hàng ngũ Thần Tộc.

Chuyện kể hồ tộc di cư đến Cổ Nguyệt Thành được mười bốn vạn năm thì Thanh Khâu Quốc lập ra được mười hai vạn năm sau khi cuộc chiến Tiên – Ma kết thúc không bao lâu. Đứng đầu Thanh Khâu là Thiên Hồ Đế Quân, sức mạnh tuy không bằng Thiên Hồ Thượng Quan nhưng có thể cho là đứng nhất nhì trong hồ tộc lúc bấy giờ. Trải qua mấy vạn năm, bộ tộc Thanh Khâu với những nỗ lực tu tiên của mình đã có một chỗ đứng vững chắc trên khắp tứ hải bát hoang.

Ba vạn năm trước, Thiên Hồ Đế Quân  bấy giờ không có con trai, chỉ có duy nhất một nghĩa tử và một nhi nữ.
Vị nghĩa tử kia tên chỉ có một chữ “Nguyệt” , người này có một quá khứ vô cùng tang thương cho nên lớn lên tính tình trở nên rất lãnh đạm. Tuy phụ mẫu thân sinh không thuộc dòng dõi quyền quý ở Thanh Khâu nhưng khi y chào đời đã định sẽ trở thành Đế Quân tương lai, lúc y vừa cất tiếng khóc thân thể hồ ly được bao bọc bởi tầng tầng ánh bạc tỏa khắp Thanh Khâu, chiếu rọi suốt tám mươi hai ngày đêm, cũng trong lúc đó, hoa đào xung quanh vạn dặm đồng loạt nở hoa, sau tám mươi hai ngày đều đồng loạt lụi tàn. Thiên Hồ  Đế Quân biết được liền lập tức nhận y làm nghĩa tử, mang về cung nuôi dưỡng như con ruột.
Y là kẻ luôn phá vỡ các nguyên tắc, Thiên Hồ Đế Quân đặt cho y một chữ “Ngọc” sau này y lại đổi thành “Nguyệt”,  sau đó có người vô ý, không biết y đã đổi tên liền gọi y là “Ngọc thánh chủ”, y không nhìn người đó mà chỉ thản nhiên nói rằng: “Tên của bản vương là Nguyệt, không phải Ngọc” một câu nói rất bình thường nhưng lại mang một ngữ khí hết sức lạnh lẽo khiến người đối diện phải run lên vì sợ hãi, ngay cả Thiên Hồ Đế Quân cũng hết cách với y. Từ đó, chẳng còn ai nhớ cái tên trước đây của y nữa….trừ một người.
Nàng là tiểu nha đầu ương bướng luôn bám theo y, luôn ê a gọi y hai tiếng “Ngọc ca”, là người duy nhất y không thể cấm đoán, từ lúc nàng xuất hiện, y mang tất cả những ôn nhu và tình thương của mình trao cho nàng, không oán, không trách nàng lấy đi Đế vị vốn thuộc về y. Y luôn cảm thấy cả đời mình, có nàng là đủ. Nàng dạy y cách yêu thương chân chính. Người khác nhìn y là kẻ máu lạnh, hờ hững, thích tính kế, thích nhìn người khác gặp họa, một kẻ âm trầm, phúc hắc, miệng tuy cười nhưng lời nói ra chẳng khác gì bị chủy thủ đâm vào tim. Nhưng trong mắt nàng, y chính là ca ca tôn quý, trầm tĩnh ôn nhu, toàn năng về mọi việc, một ca ca yếu ớt luôn dùng cánh tay nhỏ gầy che chở bảo vệ nàng. Có người từng nói sau này Thiên Hồ Đế Quân sẽ gả nàng cho y, cả hai người, một đôi trai tài gái sắc cùng nhau xây dựng và phát triển Thanh Khâu.
Nhân sinh vô thường, nào có ai ngờ đâu, khi tơ duyên còn chưa buộc thì nàng đã sớm “vũ hóa”, Thanh Khâu mất đi một Đế Cơ, Đế Quân tương lai là y cũng rời bỏ Thanh Khâu, rời bỏ thần giới tìm đến nhân gian, từng ngày, từng ngày làm bạn với quỳnh tương.

Ngàn năm trôi qua, ở nhân giới, y lập ra “Tuyệt Tình Cốc” trở thành cốc chủ, ẩn dật trong giang hồ, mà cái tên “Nguyệt” kia về sau cũng bị y chôn vùi. Người đời gọi y là “Đào Liên Ngọc”

“Cha, người kể sự tích về Đào Liên Ngọc cho con gái nghe làm gì?” – Hai tay của ta chống lên bàn, bàn tay áp sát vào hai má phúng phính, cha lúc nào cũng làm những việc khiến cho ta phải khó hiểu, Đào Liên Ngọc thì có liên quan gì đến ta, sao lại kể ta nghe chuyện của y?

Cha vươn tay xoa lấy đầu nhỏ của ta, chỉ cười cười: “Cho bớt chán”

Nghe xong ba chữ phát ra từ cha, cả gương mặt đang được chống đỡ bởi hai bàn tay bé nhỏ bỗng nhiên gục xuống, cái trán bé xinh đụng vào cạnh bàn vang lên một tiếng “cộp. Đây là cái lý do quái lạ gì thế này? Ta cứng họng rồi, cứng họng rồi, thật sự không thể nói thêm điều gì nữa rồi!!!!

Hiện tại bọn ta đang trên đường đến cái Tuyệt Tình Cốc chết tiệt, và giờ ta đang ngồi trong một quán nước bên đường nghe cha “kể chuyện”. Thì ra Đào Liên Ngọc cũng là hồ ly, hơn nữa thân phận lại cao quý, hèn gì mà khi y đến Thượng Quan Gia nói với cha nếu lần sau có ra ngoài hãy mang theo ta đến Tuyệt Tình Cốc gặp y cha liền đồng ý. Y còn nói cái gì là thích ta? Nghĩ đến đây hai má ta bất giác nóng lên, vội vàng vỗ vỗ má nhỏ trấn tĩnh lại, không thể nào, y là nhận lầm người thôi. Ta nhớ rõ lúc đó y gọi ta là “Y Nhi”, nhớ ra cái tên này ta liền nâng mắt lên hỏi cha:

- Vậy “nàng” trong câu chuyện đó là ai thế ạ?

Khẽ nhấp ngụm trà, rồi đặt chén trà xuống, cha mở mắt nhìn ta, từ từ nói ra ba chữ: “ Y Phong Diệp”
“Y Phong Diệp” – Ta khẽ lẩm bẩm cái tên ấy, tên thật hay a. Chính là như lá phong sao? Chính là hy vọng tình yêu và sự an bình sẽ đến với nàng ư? Bất giác ta lại ghen tị với nàng ấy. mặc dù đã vũ hóa hơn ngàn năm nhưng Đào Liên Ngọc vẫn nhớ đến nàng, nắm chặt chiếc khóa trường thọ trong tay, ta cảm thấy bản thân thật chua xót, lại nghĩ, Đào Liên Ngọc bất quá cũng chỉ là một kẻ si tình.

Rất lâu sau đó ta mới biết Đào Liên Ngọc không chì là kẻ si tình mà còn là một kẻ vô cùng ngốc, vì “Y Phong Diệp” mà đánh đối rất rất nhiều thứ. Cũng sau này ta mới biết câu chuyện cha kể hoàn toàn không đúng với sự thật. Lúc đó ta đã cười y, uổng cho người trong thiên hạ coi y như thần như thánh, thì ra y từ lâu cũng chỉ là một kẻ ngốc nghếch không hơn không kém.

Khoảng một khắc trôi qua, thần hồn cuối cùng cũng đã về lại với ta. Ta níu lấy vạt áo của cha, ôm lấy cánh tay rắn chắc của người, giọng nũng nịu: “Cha ơi cha à, con gái chỉ muốn gặp nương thôi, chúng ta đi Thành Diệp Sơn Trang trước nhé, nhé, nhé, nhé cha!!!?” Môi nhỏ của ta dẩu ra, không ngừng lắc lắc cánh tay cha. Ta thực sự không muốn gặp Đào Liên Ngọc, nếu gặp y, trái tim bé nhỏ của ta sẽ lại nhảy loạn lên mất. Không được, không được, không được!! Ta lắc đầu, tự nhủ bản thân không nghĩ đến y nữa. Ta vốn đã quên đi y, cũng tại cha, đang yên đang lành lại nhắc đến y. ..
….
Ta không biết có phải cha bị ai ám hay không mà dạo gần đây cha trở nên rất dễ tính, lại còn nói nhiều hơn lúc trước nữa, khi ta nói không muốn đi “Tuyệt Tình Cốc”cha liền gật đầu, liền một mạch dẫn ta đến Thành Diệp Sơn Trang. Không không, ta lại nghĩ vẩn vơ nữa rồi. Cha ta là đệ nhất mỹ nam tuyệt mỹ thanh cao lãnh ngạo sao có thể bị ai yểm bùa? Ta xoa cằm nghi hoặc nhìn bóng lưng cha rồi “ồ” lên một tiếng, cười khì khì. Hẳn là cha nhớ nương, là nương bỏ bùa cha. Cho nên cha mới chợt thoáng tính như thế. Quào quào, đây chính là sức mạnh của tình yêu sao? Ta không khỏi cảm thán, ngày còn ở Thượng Quan Gia, rất nhiều lần ta hỏi các cô cô rằng cha ta ngày xưa là người như thế nào? Các cô cô đều chỉ lắc đầu, sau đó thì thở dài, sau đó nữa thì than thở, sau sau đó thì mới tóm gọn trong bốn chữ “ác độc – phũ phàng”. Mắt ta căng tròn, chớp chớp liên tục, cả hàm như muốn rớt ra. Không phải chứ? Ra cha ta cũng giống như “đại ma đầu” à? Thật đáng sợ, hu hu, cũng chính vì thế mà mấy trăm năm ở Thượng Quan Gia ta vẫn luôn sợ sệt, không dám gần gũi với cha . Thời gian khi nương không có ở Vô Tranh Sơn Trang, lúc này ta mới dám tìm đến cha, kỳ thực, ta sợ cái “uy” của cha lắm, cũng ngưỡng mộ cái “uy” đó nữa,ta phải lấy hết can đảm ra mà bám víu vào cha, cha nhiều lần đẩy ta ra, nhưng ta vẫn cứ cố chấp mà bám lấy bám để, đến cuối cùng mới quen dần với việc ở bên cha. Cũng từ lúc đó ta mới biết cha không “ác” như các cô cô nói, có điều sự thật là cha “rất phũ phàng”.

 Trên giang hồ người ta gọi cha là “Trầm Mạt Ngôn đạo trưởng” , ta không hiểu, cha có chỗ nào giống đạo trưởng? Còn nương thì được gọi là “Vu Tịch Tiếu đạo cô”, nương giống một đạo cô??? Ầy, tóm lại cũng là do ta ngu ngốc, ở với cha nương lâu như vậy lại không nhận ra được sự “thuần khiết” của cả hai. Cha bảo, cha là đạo trưởng thuần khiết, thiện lương, cao quý, lãnh diễm, anh tuấn tiêu sái. Tròng mắt ta suýt nữa thì rớt ra chỉ vì muốn soi kỹ sự “thuần khiết – thiện lương”của cha. Thật đấy, ngoài cha và nương ra, chưa có ai có thể khiến ta khóc không ra nước mắt, mà cười cũng không thể cười.
Cha đưa ta băng qua một con thác, vượt qua hai dãy núi và bốn thị trấn nhỏ mới đến được “Thành Diệp Sơn Trang”. Thứ duy nhất đập vào mắt ta khi vừa tới đây chính là cây đào, thật kỳ lạ, hình như ai ai cũng thích hoa đào nhỉ? Ta thì thích mai trắng, chẳng hiểu tại sao, ta thấy mai trắng rất quen thuộc, còn hoa đào, nó như chan chứa một nỗi buồn nào đó, khiến ta mỗi khi nhìn vào lại thấy lòng tê tái….

Ở trước cổng sơn trang là một thiếu niên tóc không dài như cha, cũng không búi lên như cha mà cột thành một chỏm ở phía sau gáy, hắn vận thường phục màu đỏ đang cùng một vài đứa trẻ cầm gáo tưới nước cho cây, nhìn thấy cha  và ta liền khép nép đứng qua một bên, lặng lẽ cúi chào, cha không nói gì, cũng không nhìn hắn, ta nắm vạt áo phía sau của cha, cũng theo cha bước qua cổng, cái đầu nhỏ không khỏi hiếu kỳ mà ngoái đầu lại nhìn hắn, hắn thấy ta liền nở một nụ cười thân thiện. A, vị thúc thúc này thật là đẹp trai nha! Ta lại đưa mắt nhìn xung quanh, cứ vài ba bước lại bắt gặp một cây anh đào, vài chục thước thì gặp một vài người bưng bê, nhìn thấy cha cũng lại cúi đầu, ta cảm thấy ngượng ngùng thế nào ấy, đưa tay lên gãi gãi má nhỏ, cước bộ của cha càng lúc càng nhanh, chân ta bé nhỏ bình thường làm sao có thể theo kịp, vẫn là nắm vạt áo cha mà chạy theo. Thầm than tại sao hành lang lại dài như thế này? Còn có sân trước tại sao lại rộng như vậy? Nương a, rốt cuộc người ở chỗ nào trong sơn trang nha? !

-Hết chương 4 -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.